Trang chủ Kinh nghiệm học tập Môn chính – môn phụ, sao có đổi ngôi?

Môn chính – môn phụ, sao có đổi ngôi?

213

Muốn thế hệ tương lai hội nhập hay nắm bắt được thời cơ, xin hãy thay đổi phương pháp tư duy trong giáo dục: Các “môn phụ” cần bình đẳng với các “môn chính”, không thể có chuyện “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Con người hiện đại phải viết được, nói được, có khả năng tư duy độc lập và diễn đạt thuần thục ý tưởng mới có thể làm chủ được chính vận mệnh mình.

Thời tôi đi học lũ học trò chúng tôi thường quan niệm “môn chính” bao gồm toán, lý, hóa, gọi là các môn tự nhiên, phải học thật giỏi. “Môn phụ” là văn, sử, địa, gọi là các môn xã hội, (dù môn địa lý hiện nay, có nhiều người cho rằng cũng phải coi là môn tự nhiên) học để mà học, cốt cho qua. Có lẽ đó cũng là chuyện giáo dục các trường học kéo dài nhiều năm nay, và quan niệm ấy ngự trị trong tâm lý học sinh như một điều mặc định.


“Sao có đổi ngôi?” – Ảnh: Corbis

Nhưng thời đại này, ngay cả những thần đồng toán- lý nếu không giỏi những “môn phụ”, có thể suốt đời chỉ là mọt sách. Muốn thế hệ tương lai hội nhập hay nắm bắt được thời cơ, xin hãy thay đổi phương pháp tư duy trong giáo dục: Các “môn phụ” cần bình đẳng với các “môn chính”, không thể có chuyện “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Con người hiện đại phải viết được, nói được, có khả năng tư duy độc lập và diễn đạt thuần thục ý tưởng mới có thể làm chủ được chính vận mệnh mình.

Tiến sỹ toán và cô hướng dẫn viên trung cấp du lịch

Lâu lắm tôi mới gặp lại người bạn cùng trường phổ thông những năm 70. Anh từng là ngôi sao toán học, được đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán quốc tế và đoạt giải. Anh theo ngành này cho đến khi trở thành tiến sỹ, được coi là có học vị cao trong lĩnh vực toán học.

Ngược với ấn tượng của tôi, anh lại thở dài ngao ngán bảo: “Cái danh tiến sỹ của mình không đủ tiền cho con đi học mẫu giáo. Mình đang lo đi dạy thêm cho học sinh phổ thông để kiếm tiền đây. Cô hàng xóm hướng dẫn viên du lịch chỉ có trình độ trung cấp nhưng biết viết báo nghiệp dư về những nơi cô đến. Thỉnh thoảng gửi một bài lên mạng, “có tiếng lại có miếng”.

Cô ấy cứ sòn sòn đẻ hết bài này đến bài khác cho nhiều tờ báo khác nhau như VietnamNet, Tiền phong hay Tuổi trẻ. Tây mời làm tour guide lại rất “trúng mánh” vì cô ấy có tài ăn nói rất giỏi. Tớ định cho thằng con học lại môn văn đây”. Thật lạ, con đã sắp thi đại học mà anh lại cho con đi học viết và cách diễn đạt tiếng Việt.

Giấc mơ làm toán giỏi hay giỏi các môn tự nhiên vào những năm 60-80 ngày xưa đến giờ vẫn thống trị đầu óc các sỹ tử khi thi vào các lớp chuyên hay đại học. Để giỏi toán chỉ cần cái bút chì và vài tờ giấy nháp, những “phương tiện” rất hợp với các sỹ tử nhà nghèo. Người ta cho rằng toán học sẽ giải quyết tất cả, là chìa khoá của mọi ngành. Nhưng có thật thế không?

Có nhà toán học tâm sự rằng, khi đó, toán học là ngành thần tượng của tuổi trẻ, nó mê hoặc bao nhiêu tài năng nhưng rồi thực tế mới thấy những tài năng ấy phí hoài trong những công trình lý thuyết không ai biết tới hoặc may mắn lắm, hàng trăm năm sau họa có ai sử dụng. Ngày nay, những người đỗ đạt cao trong lĩnh vực toán cũng phải phiêu bạt đi kiếm ăn ở các ngành khác hay chạy đi nước ngoài làm việc.

Những năm 70, thời tôi học đại học ở Ba Lan, nếu ai học kém toán, vật lý hay tin học được tự động chuyển sang trường đại học kinh tế ở Vác-xa-va. Ngành kinh tế này đòi hỏi toán ít nhưng giỏi về kỹ năng báo cáo, nghĩa là phải viết rất nhiều. Thời đó, đám sinh viên chúng tôi rất “hãi” viết.

Bây giờ, sau vài chục năm, chúng ta biết các nhà kinh tế và toán học khác nhau chỗ nào. Tôi vẫn thầm ước, giá như hồi ấy, những người giỏi toán hay lý chuyển sang học kinh tế hay môi trường thì đất nước mình ngày nay cũng khác hơn. Anh bạn tiến sỹ toán của tôi có khi trở thành nhà kinh tế lỗi lạc rồi, đâu phải đi lọc cọc gõ đầu trẻ kiếm tiền.

Không hiểu tại sao từ thời tôi đi học, người ta đã ca ngợi các môn tự nhiên hơn các môn xã hội. Có đôi chút năng khiếu về văn nhưng với phong trào “trọng toán khinh văn” trong đám bạn học đã làm chút tài lẻ của tôi tan biến. Bây giờ, mỗi lần cầm bút viết, mồ hôi tay túa ra, người như lên cơn sốt, lo đi tìm ý tưởng, kể cả việc sợ viết sai chính tả bị chê cười.

Nhiều người cho rằng giải toán thì không cần nhiều lời mà các công thức đã nói lên tất cả, trong khi viết văn đòi hỏi kỹ năng nhớ, viết và nói, có đầu óc tổng hợp về tất cả các môn xã hội khác… Vì thế, học sinh ngại học các “môn phụ”. Hoặc cũng có thể định hướng các kỳ thi của ngành giáo dục nước nhà có “vấn đề” trong nhiều năm, hoặc chính “đầu ra” của sinh viên các môn xã hội rất khó khăn, thu nhập lại thấp. Hoặc chính cách dậy các môn xã hội của nhiều giáo viên khá xơ cứng, lỗi thời nên đã không hấp dẫn học sinh.

Tự sự (Essay) 500 từ

Sau hơn chục năm làm công tác nghiên cứu khoa học do lương bổng thấp, tôi nghĩ đến xin việc ở các tổ chức quốc tế hay xin đi du học. Gửi đơn xin học bổng bên Úc, tôi nhận được một thư cảm ơn rất lịch sự, yêu cầu viết và gửi một đoạn tự sự (Essay) 500 từ tại sao xin đi học bằng tiếng Anh.

Thú thật với vốn “tiếng Anh miền núi” chuyên học tại chức vào buổi tối, học thì ít, tán em út thì nhiều, chắc là tôi không viết nổi rồi, dù tôi có khiếu nói đôi chút. Phỏng vấn trực tiếp thì không sợ, nhưng họ bảo viết là tôi sợ “vãi linh hồn”. Trong cái khó, ló cái khôn. Tôi nghĩ là viết bằng tiếng Việt trước và thuê người dịch, người ta làm sao biết được. Khi viết được đúng một câu “Thưa quí ông/bà …” thì tôi tịt ngóm vì không biết tiếp tục như thế nào.

Có tự đánh vật với 500 từ bằng tiếng Việt mới thấy thấm thía môn văn quan trọng như thế nào. Người phương Tây khi tuyển sinh cao học hay nhân viên vào các chức danh có thang lương bậc trung hay cao cấp thì việc đầu tiên là kiểm tra kỹ năng giao tiếp (communications skills), viết và trình bày ý tưởng. Sau đó họ mới kiểm tra kinh nghiệm làm việc hay kết quả học tập. Đọc Essay có thể đoán ứng viên có khả năng tư duy hay không.

Nhờ một giáo sư lâu năm và có kinh nghiệm về viết lách xem có giúp được gì thì ông bảo:”Một khi mà trong đầu anh trống rỗng, ngay trong tiếng mẹ đẻ cũng không nghĩ được ý tưởng gì thì làm sao anh có thể viết bằng ngoại ngữ. Đừng mất công thuê dịch, anh thi sẽ trượt”. Tôi không dám đâm đơn mà ngồi học lại kỹ năng viết từ đầu.


Giáo dục trong nhà trường cần thay đổi nhận thức về “môn chính môn phụ”. – Ảnh: Corbis

Sự tôn vinh sai lầm các môn học tự nhiên

Nền giáo dục nước nhà dù phát triển hơn 60 năm có lẻ vẫn không đặt đúng tầm việc dạy học sinh cách tư duy, cách nói, cách viết và trình bày, bên cạnh đó lại quá tôn vinh học sinh giỏi các môn tự nhiên.

Thật ra trong cuộc đời, ít khi chúng ta cần đến các phương trình vi phân, các công thức toán học mà nghề nghiệp đòi hỏi chất xám đều yêu cầu viết và nói thành thạo, kể cả bằng tiếng mẹ đẻ. Nếu có ý tưởng thì việc trình bầy bằng ngoại ngữ cũng dễ hơn.

Việc đặt các môn xã hội chưa đúng tầm vô hình chung biến thành “môn phụ” đã triệt tiêu không ít khả năng suy nghĩ độc lập của các em học sinh. Định “hội nhập” với thế giới mà mỗi công dân Việt Nam đứng lên ngắc ngứ, không nói được gì trước một đám đông thì hẳn chúng ta sẽ bị “hoà tan”.

Chỉ thấy người Ấn Độ hay Trung Quốc đứng lên phát biểu, kể cả người Senegal ở châu Phi nghèo khó cũng có thể thao thao trước đám đông trong khi người Việt ta “con rồng cháu tiên” chọn hàng ghế cuối, ngồi đăm chiêu nghe người khác dậy dỗ. Viết một báo cáo, được mỗi từ “Introduction…” rồi tắc tỵ. Chả lẽ, mỗi lần phát biểu hay viết lại lôi epsilon, delta hay giải nhất toán quốc tế ra “khoe hàng”.

Nhiều học sinh ưu tú của ta đoạt giải cao trong các kỳ thi toán, tin học hay vật lý, thường lựa chọn ngành mà họ đã đoạt giải chứ không chọn ngành khác quan trọng như kinh tế, tài chính, nông nghiệp, môi trường, xã hội hay y học. Nhiều em chỉ giỏi môn tự nhiên đó được vài năm trong trường phổ thông, giải được vài bài toán khó với đôi ba mẹo vặt. Nhưng cả một quãng đời ba bốn chục năm trong độ tuổi lao động với bao nhiêu thách thức, thay đổi thì không thể trông đợi vào vài ba công thức toán.

Nếu thời gian học phổ thông họ lại bị què quặt về kỹ năng trình bày hay viết lách, diễn đạt thì cuộc đời sau này khó phát triển hơn lên. Nhiều học sinh giỏi các môn tự nhiên mà không biết trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, khúc triết và lô gic, rất có thể chỉ trở thành “mọt sách”, tương lai không hoàn toàn sán lạn như người ta tưởng.

Sao đổi ngôi trong thời đại mới

Thời đại toàn cầu hoá đòi hỏi kỹ năng viết, nói, diễn đạt và sáng tạo ý tưởng đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, giáo dục trong nhà trường cần thay đổi nhận thức về “môn chính môn phụ”. Thay đổi cách dạy từ học thuộc lòng sang cách dạy làm thế nào để học sinh có thể độc lập suy nghĩ và trình bày ý tưởng của riêng mình. Nó giúp cho thế hệ trẻ những sáng tạo mới, đất nước vì thế mà phát triển. Những ai làm việc với chuyên gia nước ngoài sẽ thấy họ có tài tổng hợp và viết hơn chúng ta rất nhiều.

Những học sinh giỏi các môn tự nhiên nếu được học toàn diện, không coi nhẹ các “môn phụ” thì có lẽ nước ta sẽ có nhiều tài năng được sử dụng đúng mục đích hơn. Trong chính sách chung của Nhà nước và tuyên truyền trên báo chí, ta cũng nên bớt đi sự huyễn hoặc kiểu “Việt nam có gien toán học”. Các đoàn học sinh đi thi các kỳ thi quốc tế đọat giải cao không nên quá thổi phồng, làm cho thế hệ trẻ và các bậc cha mẹ càng có tâm lý xem nhẹ “môn phụ”.

Danh tiến sỹ và kể cả sự tài ba thực sự trong các môn tự nhiên chắc gì đã bảo đảm cho con người ta nghề nghiệp ổn định nếu không học các “môn phụ” đến nơi đến chốn. Thu nhập hay đóng góp chung của anh bạn tiến sỹ kia chắc gì đã hơn chị hướng dẫn viên du lịch có trình độ trung cấp giỏi quảng bá đất nước và viết báo nghiệp dư thông thạo.

Thời đại toàn cầu hóa này, nhiều vì sao cần đổi ngôi.

Nguồn: viết bởi Hoa Lư, vietnamnet.vn