Trang chủ Kinh nghiệm học tập Môn địa lý: cần liên hệ kiến thức

Môn địa lý: cần liên hệ kiến thức

73

Môn địa lý: cần liên hệ kiến thức

TT – Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có hướng dẫn chính thức về ôn thi tốt nghiệp môn địa lý. Tuổi Trẻ xin giới thiệu để giúp học sinh có thể đạt được điểm số cao nhất ở môn thi này trong kỳ thi tốt nghiệp.

Cô Đặng Thị Hằng hướng dẫn ôn tập môn địa lý cho học sinh lớp 12CB8 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM) – Ảnh: Như Hùng

Trước đây, môn địa lý là môn thi không khó đạt điểm trung bình trở lên. Nhưng thực tế kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 cho thấy lối học thuộc lòng trước đây khó có điểm cao. Theo thầy Mai Phú Thanh – chuyên viên bộ môn địa lý phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM: “Học sinh quen với cách thi cũ sẽ không thích ứng kịp và làm bài không đạt kết quả cao”.

Sử dụng atlas khắc sâu kiến thức

Trong quá trình ôn thi, các em cần chú ý phân tích giải thích các mối quan hệ địa lý, nhất là các mối quan hệ tự nhiên – kinh tế – xã hội.

Quan trọng nhất và không thể thiếu trong quá trình ôn tập môn địa lý là rèn được kỹ năng xử lý thông tin dựa vào atlas địa lý Việt Nam như bản đồ, biểu đồ, số liệu thống kê… để tìm kiến thức, rèn luyện các kỹ năng và phương pháp học tập địa lý.

Sử dụng atlas địa lý Việt Nam và các kỹ năng địa lý gíúp các em giảm được 50% việc học thuộc lòng bài học một cách máy móc không hiệu quả.

Việc sử dụng atlas địa lý Việt Nam thường xuyên không chỉ giúp ghi nhớ, khắc sâu kiến thức mà còn củng cố kỹ năng sử dụng atlas để huy động tốt kiến thức làm bài thi.

Cô Nguyễn Thị Phượng
(tổ trưởng chuyên môn bộ môn địa lý Trường THPT chuyên Tiền Giang)

* Nhiều học sinh cho rằng môn địa lý chỉ cần học thuộc lòng, biết vẽ biểu đồ là có thể dễ dàng kiếm được điểm trung bình?

– Thực tế các câu hỏi thi trong kỳ tốt nghiệp THPT năm 2008-2009 không phải là câu hỏi lớn (mỗi câu là một phần bài học như trước đây), mà mỗi câu là một hệ thống câu hỏi nhỏ liên hoàn có mối quan hệ với nhau và nằm ở nhiều phần khác nhau. Thậm chí có phần thuộc về kiến thức cuộc sống của học sinh. Do vậy, vận dụng kiến thức mới là khâu quan trọng chứ không phải thuộc lòng kiến thức.

Vẽ biểu đồ cũng là một vấn đề cần lưu ý. Một bảng số liệu có nhiều cách vẽ biểu đồ khác nhau. Tùy theo câu hỏi đi kèm theo bảng số liệu, học sinh mới có thể vẽ đúng biểu đồ phù hợp.

Cấu trúc bảng số liệu hiện nay cũng thay đổi theo hướng có thể phân tích nhiều hướng khác nhau nên tùy theo câu hỏi đi kèm, học sinh phải biết rút ra nhận xét và lựa chọn kiến thức giải thích nguyên nhân cho phù hợp.

Cách đặt câu hỏi hiện nay nhìn chung rất đơn giản, mỗi câu đều tạo điều kiện cho học sinh tận dụng tối đa kiến thức, kỹ năng và vốn sống của mình để làm tốt bài thi. Tuy nhiên, nếu học sinh không nắm vững kiến thức rất dễ sa đà vào “mô tả văn học hoặc mô tả thời sự” vừa mất thời gian, vừa tốn công sức mà kết quả vẫn thấp. Mỗi câu chỉ cần mất 0,25 điểm thì việc đạt điểm 5 đối với học sinh trở nên rất khó.

* Vậy phải ôn thi môn địa lý như thế nào để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới?

– Để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009-2010, học sinh cần nắm vững các kiến thức trong sách giáo khoa, biết liên hệ các kiến thức để trả lời chính xác yêu cầu các câu hỏi, không trả lời thuộc lòng máy móc để tránh lạc đề.

Kiến thức sách giáo khoa khi trình bày một vấn đề thường lặp đi lặp lại ở nhiều bài khác nhau. Đây là một thuận lợi khi ôn tập vì học sinh mau nắm vững kiến thức của bài, thấy mối quan hệ kiến thức giữa các bài. Nhưng cái khó chính là học sinh dễ trả lời lạc đề khi lấy kiến thức bài này để trả lời câu hỏi đặt ra cho bài khác.

Việc xem lại thường xuyên sách giáo khoa, hướng dẫn ôn tập là cơ sở kiến thức và kỹ năng để học sinh thi tốt nghiệp THPT.

Riêng phần kỹ năng, học sinh cần hiểu cách phân tích các bảng số liệu trong sách giáo khoa, trong hướng dẫn ôn tập của Vụ Giáo dục trung học để có thể làm tốt các câu hỏi kỹ năng.

Lưu ý, các bài tập số liệu trong sách giáo khoa, trong hướng dẫn ôn tập chỉ là các bài tập mẫu để học sinh làm quen, tính đúng, phân tích đúng, giải thích đúng và hình thành cho mình phương pháp phân tích bảng số liệu thống kê, chứ không phải là các bài thi mẫu bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng.

Thầy MAI PHÚ THANH
(chuyên viên bộ môn địa lý phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM)

P.Đ. ghi

Nguồn: Báo Tuổi trẻ