Trang chủ Kinh nghiệm học tập Bỏ “đọc chép” không khó nếu…

Bỏ “đọc chép” không khó nếu…

97

Việc hạn chế và bãi bỏ tình trạng “thầy đọc – trò chép” sẽ có thể thực hiện nếu:
– Giáo viên sẽ tích cực nghiên cứu để “đổi mới phương pháp”.
– Các cấp quản lý sẽ tăng cường “cơ sở vật chất” tối đa cho giáo dục.
– “Sĩ số của học sinh” trong một lớp sẽ giảm xuống, lý tưởng từ 20 đến 30 học sinh…
– …
Đó là những ý kiến bàn bạc, đề xuất trong thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông… xoay quanh chỉ thị của Bộ Giáo dục& Đào tạo về việc ” bỏ đọc chép” từ năm học này – năm học 2009 – 2010.

Tất cả những điều đó tất nhiên là rất “cần” nhưng chưa “đủ”. Bỏ tình trạng “đọc chép” theo tôi là không khó nếu tính thêm điều sau đây:

Từ lâu, học sinh thường nghĩ rằng một tiết học 45 phút được hiểu là từ tiếng kẻng này đến tiếng kẻng khác. Theo tôi, hiểu như vậy là không đầy đủ. Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ giảng dạy hằng năm với bất kỳ lớp học nào tôi đều diễn giải cặn kẽ điều này với học sinh, bắt đầu bằng những câu hỏi gợi ý sau:

Tôi hỏi: “Em nào thử cho Thầy biết thời gian của một tiết học?” với câu hỏi này đa số học sinh đều trả lời được: ” Thưa Thầy, một tiết là 45 phút.

Tôi hỏi tiếp: ” Như vậy, để học một môn nào đó trong một tiết có phải được tính bắt đầu bằng tiếng kẻng này và kết thúc bằng tiếng kẻng kế phải không?“. Đa số học sinh trả lời: ” Thưa Thầy, đúng như vậy“. Tôi nói: “Hiểu như vậy là chưa đúng đâu các em à!

Tôi lý giải: “Một tiết học phải bắt đầu từ ở nhà các em, và kết thúc cũng ở nhà các em“. Vì sao? Trước khi đến lớp để học một bài nào đó thì ở nhà các em phải dành thời gian đọc trước, tìm hiểu bài đó và nên ghi lại ( thường giáo viên gọi là soạn bài hay chuẩn bị bài), sau đó đến lớp thầy cô sẽ gợi ý, dẫn dắt hình thành kiến thức bài học đó. Sau đó về nhà các em sẽ học lại, làm bài tập vận dụng, tìm hiểu thêm kiến thức vừa tiếp thu từ sách giáo khoa, sách tham khảo… Có như vậy thì kiến thức tiếp thu từ một tiết học mới đầy đủ và chắc chắn. Với cách học đó, có phải tiết học phải bắt đầu từ ở nhà và kết thúc cũng từ ở nhà đúng không?

Như vậy, để bỏ “đọc chép” ngoài những vấn đề mổ xẻ trong chuyện thời sự gần đây, tôi thấy rằng học trò phải có ý thức chuẩn bị bài, làm bài ngay tại nhà nhiều hơn. Các em đến lớp chuẩn bị cho một tiết học với tinh thần học tập như vậy thì giáo viên bỏ “đọc chép” cũng là hiện tượng tự nhiên, chứ không phải chờ một chỉ thị từ Bộ Giáo dục& Đào tạo. Thử hỏi có người thầy nào lại muốn hoàn thành bài giảng của mình bằng cách thầy đọc trò chép?

Nhưng tiếc thay, hiện tượng học sinh không bao giờ đọc trước bài mới cũng như chuẩn bị bài cũ trong nhà trường hiện nay là gần như phổ biến (có lúc tôi thử khảo sát thấy ở những lớp tôi dạy tỉ lệ này chiếm gần 70%) thì làm sao giáo viên có thể bỏ ” đọc chép” cho được! Và cũng không thể buộc giáo viên rằng mọi tiết học bài giảng đều phải sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn các em, tiết học nào cũng không được ” đọc chép”. Bởi có những bài, có những tiết, có những chương, có những phần của một môn học… đâu phải lúc nào cũng tạo được sự hưng phấn, lúc nào cũng liên hệ được với thực tế…

Thiết nghĩ nếu không phân tích đặc thù của từng đơn vị kiến thức của cả chương trình sách giáo khoa đồ sộ như hiện nay của tất cả các khối lớp, mà cứ buộc giáo viên không “đọc – chép” thì quả thật đó là điều cứng nhắc! Rồi sẽ có chuyện chuyển từ ” đọc- chép” sang “nhìn- chép” như một số ý kiến lo ngại gần đây khi giáo viên sử dụng màn hình máy chiếu khi giảng dạy.

Tôi xin nêu ý kiến riêng của mình như trên và rất mong được các đồng nghiệp cùng tham gia trao đổi!

Nguyễn Thanh Hùng Hai
(GV trường THCS Thị Trấn Cần Đước 2, huyện Cần Đước, tỉnh Long An)