Trang chủ Thi THPT Quốc gia Đường vào đời cho thí sinh rớt ĐH, CĐ

Đường vào đời cho thí sinh rớt ĐH, CĐ

55

* Tư vấn xét tuyển NV2: trúng tuyển trường này chuyển trường khác được không?

TT – Có nhiều nẻo đường vào đời, không nhất thiết phải là đại học hoặc cao đẳng dành cho cả trăm ngàn thí sinh dưới điểm sàn…

Giờ thực hành pha chế cocktail của học viên khóa 71.2 lớp pha chế tại Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist. Ngành du lịch hiện thiếu rất nhiều lao động đã qua đào tạo – Ảnh: NHƯ HÙNG

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố mức điểm sàn tuyển sinh 2009, khoảng 700.000 thí sinh sẽ không được tham dự xét tuyển vào các trường đại học, trong đó chắc chắn cũng còn rất nhiều thí sinh không đủ điểm để xét tuyển vào hệ cao đẳng.

Nếu không muốn mất thời gian để tiếp tục ôn luyện và muốn vào đời bằng một nghề nghiệp ổn định, thí sinh vẫn còn nhiều lựa chọn khác.

Hiện đào tạo nghề có ba cấp trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Trình độ cao đẳng được thực hiện 2-3 năm học, trung cấp nghề 1-2 năm và sơ cấp nghề từ ba tháng đến một năm tùy theo nghề đào tạo. Tại TP.HCM, trong năm 2009 hệ thống các trường nghề sẽ tuyển gần 46.000 chỉ tiêu cao đẳng và trung cấp nghề (18.270 chỉ tiêu hệ cao đẳng và 27.709 chỉ tiêu hệ trung cấp).

Đây là số chỉ tiêu của 52 trường đại học, cao đẳng có đào tạo nghề và các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề (trung ương và thành phố), các trường nghề tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài. Điểm chung về tuyển sinh của các trình độ dạy nghề là xét tuyển, kể cả hệ cao đẳng. Do đó, dù không đủ điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2009, thí sinh vẫn có thể dùng các loại kết quả khác như kết quả học tập lớp 12, điểm thi tốt nghiệp THPT… để đăng ký xét tuyển.

Ngoài cao đẳng nghề và trung cấp nghề, thí sinh có thể đăng ký theo học với hàng trăm ngàn chỉ tiêu sơ cấp nghề (riêng TP.HCM đã có khoảng 300.000 chỉ tiêu). Đây có thể xem là lựa chọn đem lại hiệu quả tức thời cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, muốn nhanh chóng tham gia thị trường lao động để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ nếu muốn còn đi học.

Tuy gọi là “sơ cấp” (vì bỏ qua các môn học như giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng…) nhưng thực chất nhiều chương trình sơ cấp nghề có cả ngàn giờ học với số giờ thực hành 50-75%, đã trang bị cho học viên tay nghề thực thụ bằng một nghề cụ thể để bước vào đời. Chính vì thế, không ít những cơ sở đào tạo nghề dám thu của học viên mức học phí cả chục triệu đồng cho một khóa học nghề chỉ sáu tháng.

Giáo viên Đinh Văn Toan (thứ ba từ phải sang) hướng dẫn học viên lớp bếp nâng cao thực hành nấu ăn tại Trường trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist – Ảnh: N.HÙNG

Gần đây, một số trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp còn phát triển công tác dạy nghề với một bước được nhận định là “mang tính đột phá”: liên kết đào tạo nghề với các trường nghề ở nước ngoài để đào tạo đủ ba trình độ nghề. Sự liên kết này đem đến cho các trường nghề cơ sở vật chất hiện đại, cải tiến giáo trình, mời giáo viên nước ngoài vào giảng dạy, đưa giáo viên đi tu nghiệp ở nước ngoài, thậm chí tuyển học viên, học sinh, sinh viên học nghề tiếp tục du học nghề.

Có thể kể ra một số địa chỉ từ lâu đã có các lớp, nghề liên kết với nước ngoài hoặc sử dụng trang thiết bị dạy học, tham khảo hoặc học bằng giáo trình từ nước ngoài trong việc đào tạo nghề như: Trung tâm Việt – Đức (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) học thực hành trên thiết bị 100% do Đức tài trợ, Trường cao đẳng nghề Lilama 2 với chương trình liên kết với Trường cao đẳng City of Sunderland – Anh, đào tạo hệ cao đẳng ngành kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật điện theo chương trình của Anh, bằng tốt nghiệp do City of Sunderland cấp.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể được học liên thông kỹ sư thực hành tại Anh, Trường cao đẳng nghề VN – Singapore với nền tảng chương trình và máy móc thực hành được tài trợ của Chính phủ Singapore.

Ở nhóm nghề liên quan đến du lịch, Trường trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist cũng có quan hệ chặt chẽ với vương quốc Bỉ, Chính phủ Luxembourg để nhận sự tài trợ về cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo giáo viên, giáo trình và mở các lớp nâng cao, có quan hệ với Học viện du lịch Quế Lâm (Trung Quốc), Trường cao đẳng du lịch Canada để gửi học sinh đi du học…

ĐOÀN TỪ DUY

Anh Trần Minh Tú (chuyên viên bảo trì điện – điện lạnh Công ty Thương mại tổng hợp, Q.1, TP.HCM):

Tự lượng sức mình để vào đời

Năm 2002, tôi thi trượt đại học. Làm thêm bên ngoài một số việc nhưng nghĩ nhất định phải có cái nghề cụ thể, có kiến thức và tay nghề nên năm 2004 tôi tự lượng sức mình, quyết không “trèo cao” mãi với những kỳ thi đại học nên đăng ký vào học nghề điện – điện lạnh Trường Công nhân kỹ thuật TP.HCM (nay là Trường cao đẳng Nghề TP.HCM).

Công việc hiện tại của tôi rất tốt. Tôi đã đi làm nhiều, tích lũy nhiều kinh nghiệm cộng với kiến thức học trong trường nên khá an tâm với công việc. Ngoài công việc bảo trì, tôi cũng tham gia một số công việc liên quan đến nghề đã học trong các dự án của công ty với vai trò kiểm tra, giám sát.

Tuổi Trẻ