TT – Đề thi tuyển sinh ĐH khối A vừa qua được đánh giá là tương đối khó. Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi các môn trong đợt 2 sẽ tiếp tục được ra với mức độ tương tự. Thí sinh cần lưu ý gì để đạt được kết quả như ý trong đợt thi sắp tới?
Thí sinh chuẩn bị làm bài môn văn trong kỳ thi tuyển sinh năm 2008 tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) -Ảnh: NHƯ HÙNG |
Môn văn: nên làm theo đúng ban đã học
Một trong những yêu cầu quan trọng của bài làm môn văn là thí sinh cần đọc kỹ yêu cầu của đề. Thí sinh nên chú ý những từ ngữ quan trọng để từ đó rút ra luận đề (yêu cầu của đề), xác định luận điểm (tìm ý), lựa chọn thao tác để xử lý, xác định phạm vi tư liệu, phạm vi giới hạn của đề. Khi làm bài, việc trình bày, bố cục, hệ thống luận điểm phải rõ ràng, lập luận chặt chẽ, khoa học, thuyết phục.
Trên thực tế, đáp án thường triển khai theo nội dung phân ban nên việc làm bài theo đúng ban đã học là một lợi thế. Về tâm lý, thí sinh nên tạo cho mình bình tĩnh, tự tin khi làm bài.
Ngoài những vấn đề chung ở trên, vào từng phần cụ thể, thí sinh cần lưu ý thêm một số vấn đề. Ở phần câu hỏi về kiến thức, nên trả lời ngắn gọn, cụ thể, chính xác yêu cầu của đề, tránh vòng vo, dài dòng. Ở câu nghị luận xã hội, thí sinh phải xác định rõ vấn đề cần bàn, lưu ý vận dụng tốt thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Bài làm cần nêu ý kiến cụ thể và có dẫn chứng nhưng không quá nhiều. Viết đúng dung lượng mà đề yêu cầu (600 từ). Nên hình dung và rèn luyện điều này trước khi thi.
Đối với nghị luận văn học, thí sinh phải nắm vững yêu cầu của đề. Từ đó, thí sinh lựa chọn, vận dụng phối hợp các thao tác (phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh…) cho phù hợp với yêu cầu của đề. Trong lập luận, thí sinh nên vận dụng (so sánh, đối chiếu, liên hệ…) những kiến thức về tác giả, tác phẩm, những kiến thức lý luận chung về văn học, về thể loại, đặc trưng của giai đoạn văn học có liên quan đến yêu cầu của đề. Điều này giúp bài làm sâu sắc, phong phú hơn.
TRẦN TIẾN THÀNH
(GV Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)
Môn lịch sử: cần lập dàn ý
Đề thi môn lịch sử có thể có những câu hỏi mang tính tổng hợp nhiều sự kiện trong một giai đoạn. Bài làm môn lịch sử không chỉ yêu cầu thuộc bài, thí sinh phải hiểu các sự kiện quan trọng, các nhân vật, số liệu gắn liền với sự kiện đó. Để đáp ứng tốt bài thi ĐH, thí sinh phải biết hệ thống kiến thức trong chương trình lịch sử, phải nắm vững các sự kiện cơ bản của các bài học, có khái quát nội dung những giai đoạn chính trong quá trình phát triển lịch sử. Khi ôn tập, cần xác định kiến thức cơ bản toàn bộ chương trình, những kiến thức cần thiết trong từng bài, từng giai đoạn lịch sử.
Về kỹ năng làm bài: qua thực tế coi và chấm thi, tôi nhận thấy hầu hết thí sinh thường bắt đầu làm ngay, không dành thời gian đọc và phân tích đề. Để làm tốt bài thi lịch sử, cần dành 10-15 phút đọc kỹ, hiểu đề, phân tích đề, gạch dưới và ghi ra giấy nháp những từ, cụm từ quan trọng thể hiện nội dung cơ bản của đề. Từ đó nêu ra những vấn đề chính cần giải quyết trong bài làm. Trên giấy nháp ghi rõ những hiểu biết của mình về những vấn đề cần trình bày. Sau đó lựa chọn, sắp xếp những ý cần giải quyết như một dàn ý trước khi làm bài.
Các bài làm lịch sử thấp điểm do thí sinh không hiểu đề, bài làm lạc đề, sai đề, bài viết lòng vòng, lan man, không rõ ý, không sát yêu cầu của đề. Hậu quả là bài làm thiếu quá nhiều ý chính, không có điểm cao. Ngược lại, có những bài làm quá chi tiết, mất nhiều thời gian ở một ý, một câu (đôi khi phần này điểm rất ít). Nếu thí sinh đọc và phân tích kỹ đề, phân thời gian hợp lý cho các câu sẽ hạn chế được lỗi này.
Ngoài ra, khi làm bài lịch sử cần chú ý hình thức trình bày. Rất nhiều bài làm lịch sử viết sai chính tả, câu văn tối nghĩa, dài dòng, sai ngữ pháp. Thực tế có những bài làm thể hiện người viết có nắm ý nhưng thể hiện quá rối, không mạch lạc. Những bài làm này không được tính điểm tối đa trong từng phần.
NGUYỄN ÁI HẰNG
(tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM)
Môn địa lý: chọn biểu đồ hợp lý
Những khuyết điểm mà thí sinh thường mắc khi làm bài thi môn địa lý là hay nhầm lẫn giữa yêu cầu phân tích và yêu cầu chứng minh, hay ngộ nhận giữa yêu cầu về “trình bày” trong đề thi tốt nghiệp (học thuộc lòng rồi viết ra) và “trình bày” trong đề thi tuyển sinh (cần có sự so sánh, đối chiếu, lập luận riêng).
Với câu hỏi về vẽ biểu đồ: căn cứ vào bảng số liệu, thí sinh phải cân nhắc và chọn vẽ được biểu đồ thích hợp (biểu đồ hình tròn, cột, đồ thị, biểu đồ kết hợp…). Nếu chọn sai dạng biểu đồ coi như cả câu đều sai. Với câu hỏi yêu cầu nhận xét, giải thích: nếu có liên quan đến những kiến thức về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội của vùng cần phải vận dụng kiến thức đã học từ lớp 10 mới có thể làm đủ ý. Riêng câu hỏi yêu cầu chứng minh: nên lập dàn ý để tránh thiếu sót và không cần viết dài dòng, chỉ đưa một vài bằng chứng thuyết phục là đủ. Với câu hỏi yêu cầu phân tích: cần sắp xếp các ý sao cho logic chứ không lý giải lung tung, mất thời gian.
Điều cuối cùng, thí sinh cần nhớ đây là kỳ thi tuyển sinh: khi làm bài phải lựa chọn những ý cần thiết để trả lời câu hỏi, biết phân phối thời gian hợp lý chứ nhiều em thuộc bài nhưng làm không đủ thời gian vì bê nguyên xi trong sách giáo khoa ra.
MAI PHÚ THANH
(chuyên viên môn địa, Sở GD-ĐT TP.HCM)
P.ĐIỀN – H.HG. ghi