72% số học sinh, sinh viên được hỏi cảm thấy khó tập trung vào việc học hành và giao tiếp. Nhiều em có dấu hiệu trưởng thành muộn khi chưa dám dấn thân vào đời mà vẫn mong muốn tiếp tục học lên hay đi du học.
Ngày 9/10, Viện nghiên cứu Giáo dục (ĐH Sư phạm TP HCM) công bố kết quả nghiên cứu “Nhận thức và thái độ của học sinh, sinh viên về định hướng tương lai” được thực hiện trên 2.000 học sinh THPT và sinh viên tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ từ tháng 6 đến tháng 11/2008.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Dung, nghiên cứu này xuất phát từ kết quả nghiên cứu của công ty Research International về chỉ số tập trung của giới trẻ châu Á. Theo đó, chỉ 28% bạn trẻ Việt Nam được phỏng vấn cho biết có thể tập trung hoàn toàn trong những hoạt động hàng ngày, 72% còn lại cho biết cảm thấy khó khăn khi phải tập trung vào các việc như học hành và ngay cả trong giao tiếp.
“Việc thiếu tập trung sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập, sự tự tin và đặc biệt là khả năng phát huy tối đa tiềm năng của mình”, bà Dung nhấn mạnh.
Kết quả khảo sát của Research International cho thấy, sự thiếu tập trung xuất hiện nhiều nhất khi các em ở trường học và học sinh Việt Nam có chỉ số tập trung trên lớp thấp hơn mức trung bình của châu Á. |
Dù giới trẻ Việt Nam có nhiều ước mơ đẹp và hơn 80% số em được hỏi cho rằng có thể thực hiện được những ước mơ, tự mình quyết định tương lai đó. Tuy nhiên, khá nhiều trong số này có dấu hiệu trưởng thành muộn khi chưa dám dấn thân vào đời và chưa muốn thiết lập cuộc sống độc lập. 75% trong số 2.000 em vẫn mong muốn tiếp tục học lên hay 23% muốn du học như một cách để trang bị kiến thức cho tương lai.
Tiến sĩ Dung cũng cho hay, hầu hết học sinh sinh viên vẫn còn mơ hồ về hướng đi và mục tiêu phấn đấu của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điển hình như để chuẩn bị cho sự nghiệp, các em chỉ biết tập trung vào học các kiến thức chuyên môn mà chưa coi trọng các kỹ năng mềm. 83% các em cho biết dự đinh học giỏi các môn học tại trường, 92% cho biết cần học giỏi ngoại ngữ.
Nhận định hệ thống giáo dục hiện nay đang làm cho học sinh thiếu tập trung, Hiệu trưởng THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) Nguyễn Tùng Lâm lập luận: “Chúng ta vẫn đi theo đường ray rất là phản giáo dục: nhồi nhét kiến thức mà không xây dựng cho các em ý thức tự học. Để định đoạt tương lai, cần thiết nhất là tự học, tự phát triển năng lực cá nhân vào cuộc sống cũng như định hướng tương lai – điều mà lâu nay chúng ta đang bỏ ngỏ”.
Cùng quan điểm, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) Nguyễn Thành Kỳ thừa nhận, nhu cầu giáo dục toàn diện đang tạo cho học sinh áp lực bắt buộc bởi những thứ không thích học nhưng vẫn phải học. Để giải quyết tình trạng này cần làm sao để những kiến thức ấy vừa phải, bài giảng thực sự tạo được hứng thú cho học sinh.
Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm: “Chúng ta vẫn đi theo đường ray rất là phản giáo dục: nhồi nhét kiến thức mà không xây dựng cho các em ý thức tự học. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đi tìm lời giải cho câu hỏi “Trường học trang bị gì cho học sinh”, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Hồ Thiệu Hùng cho biết, bạn trẻ nào cũng có ước mơ, và để giải mã ‘hộp đen’ ước mơ ấy ngoài việc cần dấn thân cho ước mơ các em cần được trang bị kỹ năng mềm cần thiết cho nghề nghiệp tương lai.
Theo thầy Hùng, trường học hiện chủ yếu trang bị năng lực thông qua việc truyền đạt kiến thức khoảng 10 môn học. Năng lực này được đánh giá bằng cách duy nhất là điểm số thông qua bài kiểm tra các môn học và thi cử. Những học sinh giỏi Văn và Toán thường được đánh giá cao và được tiên đoán là thành đạt hơn. Điều này khiến giáo viên có sự đánh giá “không công bằng” với các em thuộc diện sau, dù các em này có giỏi thể dục thể thao, nghệ thuật hay có ‘tài vặt’ nào đó.
“Thực tế cho thấy những em xuất sắc các môn học được coi trọng, ra đời thường là người thành đạt (ở các cấp độ cao thấp khác nhau) trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy… Nhưng nhiều người không thuộc loại xuất sắc cũng thành đạt, thậm chí rất thành đạt trong vô vàn lĩnh vực khác của cuộc sống”, thầy Hùng lập luận.
Sau khi nêu những dẫn chứng, thầy giáo có 40 năm tuổi nghề này kết luận: “Chúng ta còn dạy thiếu một cái gì đó, cách đánh giá về trình độ học sinh còn có khiếm khuyết gì đó. Có thể đó là do mải trang bị năng lực mà chúng ta bỏ qua trang bị cho học sinh quyết tâm và cách tìm cơ hội”.
Theo Vnexpress