Trang chủ Kinh nghiệm học tập Môn lịch sử: học theo chủ đề

Môn lịch sử: học theo chủ đề

878

Môn lịch sử: học theo chủ đề

TT – Nếu không có phương pháp ôn tập phù hợp thì dù có đầu tư nhiều thời gian, công sức, thí sinh cũng khó có thể đạt được kết quả như ý. Tuổi Trẻgửi đến thí sinh những bí quyết từ các thầy cô giáo dày dạn kinh nghiệm để giúp các bạn ôn thi hiệu quả, tiến tới đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử năm nay, học sinh cần bám sát vào 13 chủ đề trong sách hướng dẫn chuẩn kiến thức, kỹ năng môn lịch sử lớp 12 của Bộ GD-ĐT.

Với lượng kiến thức trên, việc đầu tiên học sinh nên làm là phân chia thời gian cho số lượng bài học. Bạn hãy xác định mình có bao nhiêu tuần, bao nhiêu ngày để ôn thi và tính số lượng bài trong thời gian ấy để cân đối vừa ôn vừa học những bài đã và chưa học.

Về phương pháp học thi, để nắm rõ từng chủ đề, học sinh nên triển khai chủ đề ấy theo sơ đồ hình cây (hay sơ đồ tư duy). Chẳng hạn chủ đề này có bao nhiêu bài, mỗi bài có bao nhiêu ý chính, trong ý chính có bao nhiêu ý nhỏ, trong ý nhỏ có bao nhiêu ý nhỏ hơn…

Bên cạnh đó, qua quan sát tôi thấy nhiều bạn thường nhầm lẫn giữa các giai đoạn lịch sử, các chiến dịch, chiến lược… khi làm bài thi dẫn đến tình trạng “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Để tránh điều đáng tiếc này và nhớ lâu bài học, bạn hãy lập bảng so sánh giữa các giai đoạn lịch sử, giữa các chiến dịch (Việt Bắc, Biên giới, Đông xuân, Điện Biên Phủ); các chiến lược (chiến tranh đặc biệt, cục bộ, VN hóa chiến tranh…).

Bảng này gồm các cột ghi thứ tự lần lượt như: giai đoạn lịch sử, âm mưu của địch, chủ trương của ta, diễn biến, kết quả – ý nghĩa.

Cách làm này sẽ giúp bạn hệ thống hóa môn học và có cái nhìn tổng quát về tiến trình lịch sử, đặc trưng của từng giai đoạn, đặc điểm giống – khác nhau giữa các chiến dịch, chiến lược. Thêm vào đó, các bạn sẽ nắm được sự liên kết giữa các ý, các bài, các chủ đề để so sánh với nhau mà nếu học thuộc lòng rời rạc từng bài bạn sẽ không thấy được.

Một vấn đề nữa trong việc học thi là mỗi học sinh hãy tự “phân loại” mình để có cách học phù hợp. Bạn nào còn yếu thì mạnh dạn hỏi thêm thầy cô, bạn bè những điều chưa rõ để bổ sung kiến thức. Bạn nào khá hơn thì xem thêm những dạng câu hỏi nâng cao. Trong phòng thi, để tránh mất điểm khi làm bài, các bạn hãy đọc thật kỹ đề để nắm rõ các mốc thời gian trong đề và lập dàn bài trả lời các câu hỏi trước khi chấp bút làm bài.

Cô PHẠM THỊ BÍCH TUYỀN
(giáo viên môn lịch sử Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)

H.BÌNH ghi

Nguồn: Báo Tuổi trẻ